Giờ tan tầm, tiếng còi xe, tiếng động cơ di chuyển, tiếng còi của mấy anh công an… Tất cả cộng gộp vào, tạo nên thứ âm thanh phức tạp, nhưng quá đỗi quen thuộc vào lúc chiều tàn. Với anh, nó là thứ khiến anh cảm thấy muốn vứt bỏ hết những mớ giấy tờ chất đống cần giải quyết. Đôi giày anh đang đi như thúc giục anh trốn tránh cái bận rộn kia, trở về với gia đình nhỏ, nơi có vợ anh và hai đứa con nhỏ đang chờ cơm.
Dạo gần đây, tan làm về đến nhà, anh chỉ kịp thay quần áo, ăn vội với vợ con bát cơm rồi lại ôm cái laptop làm việc đến khuya. Anh cũng đâu phải là người vô tâm, biết vợ vất vả lắm chứ nhưng vẫn bó tay. Quả thật, mấy tháng cuối năm, công việc của công ty nhiều không xuể, phải làm cả ở nhà mới may ra kịp tiến độ. Đi làm cùng lúc với hai mẹ con đưa nhau đi học, lúc về thì có khi hai mẹ con đã đi ngủ, hay sớm hơn thì cũng xong bữa tối lâu lắm rồi. Ngày trước, tan làm, anh đón được cô con gái lớn đi học về, chơi với con rồi cắm được nồi cơm hộ vợ. Tuy không giúp được nhiều việc nhưng cũng thấy vợ anh hài lòng.
Hôm nay, nghe đám nhân viên giục nhau về nhà rồi bàn tính chuyện tết nhất về quê hay ở Hà Nội, anh chợt nhớ đã lâu lắm rồi không được về quê. Những ngày cuối năm của bố mẹ chắc cũng đang vụ hoa màu nên không bận rộn lắm. Nhớ những bữa cơm chiều cùng ăn với bố mẹ ngày anh vẫn còn là chàng sinh viên gầy nhỏng. Vẫn còn nhớ cái mùi nồng nồng của khói bếp , một chút cảm xúc bồi hồi gợn lên trong anh.
Ngày ấy, nhà còn nghèo lắm, đến đôi giày cũng phải tích cóp tiền để mua chứ nói gì đến chuyện đi học Đại học. Nghe anh báo tin đỗ Đại học, bố mẹ cười đấy nhưng sâu trong lòng anh biết, nó là cả một gánh nặng. Cả nhà cũng chỉ trông chờ vào con lợn, con gà, bố mẹ có kiếm thêm cũng chỉ đủ bữa ăn hàng ngày cộng với việc lo tiền học phí của anh. Bây giờ lên Hà Nội, biết bao nhiêu là khoản phải chi tiêu. Nhưng bố mẹ vẫn nhất quyết bắt anh đi học dù có phải bán đàn lợn chưa được đủ ngày xuất chuồng: “Mày đi học rồi nay mai mới thoát được cảnh nghèo con ạ. Đời bố mẹ đã chẳng sáng lạng được thì đến mày, phải để con mày không được khổ nữa”.
Đêm trước ngày lên Hà Nội, bố mẹ gần như cũng thao thức. Anh vẫn còn nhớ đôi giày mà mẹ đã mua cho ngày hôm trước. Mẹ nói: Lên thành phố cũng chẳng thể xuề xòa mãi được. Coi như đôi giày này để làm quà cho con lên trường. Bố mẹ mong con học hành chăm ngoan”. Đối với những bạn khác, có thể đôi giày ấy chẳng đáng là bao, nhưng với anh, nó thật sự ý nghĩa. Đó không chỉ là công sức làm lụng của bố mẹ, nó còn là niềm động viên an ủi với anh những khi anh nhớ nhà, anh mệt mỏi vì áp lực bài vở.
Đôi giày ấy đã đồng hành cũng anh, đã đi cùng anh biết bao nhiêu nẻo đường, vui có, buồn có, vấp ngã có nhưng không vì thế mà nản chí. Nó vẫn luôn song hành cùng anh những ngày mưa nắng, gió rét. Sờn rách cũng đã nhiều nhưng chưa khi nào anh thấy không trân trọng nó. Anh thầm nghĩ: Nhất định phải thành công để không phụ lòng bố mẹ.
(Phần I)
Ngọc Nguyễn
Bình luận