Thời gian làm chủ tịch của Phil Knight có thể đã sắp kết thúc, nhưng những thành tựu mà ông để lại với vai trò là người đồng sáng lập nên thương hiệu giày Nike thì không ai có thể lãng quên được. Trong những ngày tháng cuối cùng trước khi rời công ty, ông đã viết một cuốn hồi ký ghi lại những kỉ niệm của mình. Cuốn hồi ký kể câu chuyện của ông từ những ngày đầu tiên khi còn đi bán giày ở những toa xe lửa, cho đến khi gây dựng được một trong những thương hiệu giày nổi tiếng nhất thế giới. Cùng tìm hiểu về những mẩu chuyện đằng sau thương hiệu hàng đầu này nhé!
- Tại sao hộp giày của Nike lại là màu cam?
Vào những năm 70 của thế kỉ trước, những hộp đựng giày truyền thống thường chỉ mang màu trắng hoặc xanh lam. Khi Phil Knight ra mắt thương hiệu Nike tại triển lãm của Hiệp hội Hàng thể thao quốc gia ở Chicago vào năm 1972, ông đã tìm kiếm một điều gì đó thật khác biệt để thu hút cái nhìn của những khách hàng tiềm năng cũng như các chuyên gia trong ngành. Vì thế mà những chiếc hộp màu cam đã ra đời, bởi Phil tin rằng đó là màu nổi bật nhất trong số bảy sắc cầu vồng.
- Kí hợp đồng với Ilie Năstase là một ca khó nhằn, ngay cả khi anh ta đã đi giày Nike!
Khi Nike vẫn còn là một thương hiệu non trẻ, một trong những người ủng hộ sớm nhất cho hãng là vận động viên quần vợt nổi tiếng- Ilie Năstase. “Nào, giờ chúng tôi đã có một vận động viên hàng đầu đi giày Nike, và chiến thắng các trận đấu với nó. Kí hợp đồng với cậu ấy có thể khó khăn đến mức nào cơ chứ? Tôi đã tìm được số điện thoại của Nastase, gọi điện và đề nghị kí hợp đồng. Tôi nói chúng tôi có thể dành cho cậu một khoản là $5,000 nếu như cậu mang đôi giày của chúng tôi. Chàng trai ấy đã không đồng ý, và cậu ta muốn $15,000! Tôi thật sự ghét phải thương lượng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã thống nhất với con số là $10,000. Tôi thấy mình như vừa bị cướp vậy!” – Phil Knight chia sẻ trong cuốn hồi ký của mình.
- Steve Prefontaine là một đại sứ tiêu biểu của Nike, anh thậm chí còn gợi ý đôi giày này cho đối thủ của mình!
Mặc dù chức danh “đại sứ” của Prefontaine không hoàn toàn chính xác, nhưng những đóng góp của anh với sự phát triển của thương hiệu giày Nike là không thể chối cãi. Anh mặc chiếc áo thun của Nike ở bất cứ đâu, cũng như là người thử nghiệm cho những thiết kế của Bowerman. Anh khuyến khích mọi người cùng đi thử giày Nike, ngay cả với đối thủ của mình. Steve Prefontaine vẫn thường gửi cho những người đồng nghiệp của mình một đôi giày Nike với lời nhắn “Hãy mang thử đi. Cậu sẽ thích chúng!”
- Ý tưởng của đôi Waffle Trainer xanh dương đậm
Vào năm 1976, Knight bắt đầu nhận ra rằng sneaker đã không còn chỉ đơn thuần là đôi giày sử dụng cho thể thao. Người ta sử dụng sneaker ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày bởi tính năng động của nó. Điều này đã làm nảy lên trong ông ý tưởng về một trong những mẫu thiết kế phổ biến nhất của Nike- đôi Waffle Trainer- với màu xanh dương đậm để người sử dụng có thể dễ dàng phối với quần jeans. “Chúng tôi đã sản xuất không kịp với nhu cầu. Những cửa hàng bán lẻ không ngừng liên lạc, thậm chí cầu xin từng đôi Waffle mà chúng tôi có thể cung cấp cho họ. Lượng giày tăng vọt đã dần dần thay đổi quy mô của công ty.”
- Phil Knight từng bị ám ảnh với việc có người không đi giày Nike
“Tôi không còn là người tạo ra Nike nữa, ngược lại, Nike đã tạo nên con người tôi. Khi tôi thấy một vận động viên nào đó đi một đôi giày khác, hoặc khi tôi thấy bất cứ ai đi một đôi giày khác, tôi sẽ cảm thấy như họ đang không chỉ phủ nhận thương hiệu Nike, mà còn đang phủ nhận chính tôi! Tôi tự nhủ rằng mình phải thật công tâm, rằng không thể nào bắt tất cả mọi người trên thế giới đều đi giày Nike được! Tôi sẽ không nói rằng tôi đã cảm thấy buồn mỗi lần tôi thấy một người đi ra đường với đôi giày chạy không-phải-Nike, mặc dù đó là sự thật.”
Knight đã rất không hài lòng khi Rob Strasser- người từng là một nhân vật vô cùng quan trọng trong việc Nike kí hợp đồng với Michael Jordan, rời bỏ công ty. “Mọi việc vẫn sẽ ổn nếu như cậu ta chỉ đơn giản là thôi việc. Nhưng cậu ta đã đến làm cho adidas! Một sự phản bội không thể chấp nhận được. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho cậu ta!” Thật trớ trêu khi sau này, Knight vẫn rất vui vẻ thuê Avery- con gái của Strasser về làm việc cho công ty của mình.
- Knight chỉ để ý đến đế “Air” khi biết adidas đã bỏ qua nó
“Một đôi giày với phần đế không khí đối với tôi như là một trò đùa trong truyện tranh vậy.”- Knight nêu cảm nghĩ của mình khi lần đầu được giới thiệu về bộ đế giày với không khí được truyền vào bên trong. Điều thực sự thuyết phục ông khi đó là những gì hai nhà thiết kế- Frank M. Rudy Bob Bogert trình bày. Bộ đôi đã mang công nghệ này giới thiệu tới adidas, nhưng công ty đã từ chối nó. “Abracadabra. Đó là tất cả những gì tôi cần nghe đấy!” – Knight hóm hỉnh chia sẻ.
- Phil Knight không hề tin vào quảng cáo
Thật khó mà tin được rằng người sáng lập của một công ty đã có những chiến dịch quảng cáo đáng nhớ nhất trong lịch sử lại không hề tin vào sức mạnh của quảng cáo, nhưng đó lại là sự thật. Trong cuốn hồi ký của mình, Knight chia sẻ, chỉ có chất lượng sản phẩm mới thực sự có ý nghĩa với ông. “Đương nhiên, những nhân viên quảng cáo của công ty luôn nói rằng tôi đã lầm, sai lầm một ngàn phần trăm. Nhưng hết lần này đến lần khác khi tôi hỏi họ: Các cậu có thể khẳng định rằng mọi người đã mua giày Nike chỉ bởi những quảng cáo của các cậu không? Các cậu có những số liệu bằng giấy trắng mực đen hay không? Bọn họ đều im lặng.”
Bình luận